Thứ Năm, 12 tháng 6, 2025

Khi thương mại điện tử bị siết chặt: Góc nhìn từ người kiểm định sản phẩm sức khỏe

Năm 2025 đánh dấu một bước chuyển mạnh trong quản lý thị trường số. Cục Thuế, Bộ Công Thương, và Bộ Y tế bắt tay triển khai hệ thống giám sát thương mại điện tử thông minh, hướng đến mục tiêu phát hiện gian lận thuế và truy vết hàng hóa không rõ nguồn gốc. Không ít chủ shop online bị “sờ gáy” vì kê khai sai doanh thu, trong khi các sàn TMĐT lớn như Shopee, Tiki, Lazada cũng bị yêu cầu cung cấp dữ liệu người bán. Đáng chú ý hơn, lĩnh vực tôi đang làm – dược phẩm và thực phẩm chức năng – cũng nằm trong “tầm ngắm” của các cơ quan quản lý. Bộ Y tế và Bộ Công an phối hợp kiểm soát chặt các nhóm dược phẩm, TPCN kém chất lượng… trôi nổi trên mạng. Những mặt hàng này sẽ buộc phải đăng ký nguồn gốc rõ ràng và chấp nhận bị kiểm tra định kỳ. Ở góc độ là một người làm kiểm định chất lượng sản phẩm sức khỏe, tôi thấy đây là một tín hiệu đáng mừng, dù phía sau là rất nhiều thách thức. Và nếu cho tôi lựa chọn cách làm, tôi sẽ tập trung vào ba mũi nhọn sau:

1.     Truy xuất nguồn gốc bằng công nghệ số

Mọi sản phẩm khi lưu thông – đặc biệt trên kênh online – cần phải có đầy đủ hồ sơ pháp lý: từ công bố sản phẩm, hợp đồng sản xuất, giấy phép kinh doanh đến báo cáo kiểm nghiệm. Nhưng chỉ giấy tờ thôi là chưa đủ.

 




Tôi cho rằng chúng ta nên áp dụng bắt buộc mã định danh truy xuất nguồn gốc (như QR code) trên từng hộp sản phẩm. Khi người tiêu dùng quét mã, cần thấy được nơi sản xuất, lô hàng, kết quả kiểm định gần nhất và tên đơn vị chịu trách nhiệm phân phối. Điều này giúp cả người mua, người bán và cơ quan chức năng đều dễ dàng kiểm tra và truy vết nếu xảy ra sự cố.

2.     Kết nối dữ liệu kiểm định với sàn TMĐT

Một điểm yếu hiện nay là kết quả kiểm định và dữ liệu của các sàn thương mại điện tử vẫn hoạt động rời rạc. Tôi cho rằng nên có một nền tảng trung gian (do Bộ Y tế quản lý) để đồng bộ thông tin kiểm định giữa doanh nghiệp – cơ quan nhà nước – sàn TMĐT.

Khi sản phẩm đã được kiểm định và cập nhật vào hệ thống, sàn mới được phép cho đăng bán. Ngược lại, nếu sản phẩm từng bị thu hồi, từng vi phạm về chất lượng hay quảng cáo sai sự thật, hệ thống phải tự động cảnh báo và tạm dừng bán. Đây là cách làm chủ động, giảm rủi ro từ gốc. 

3.     Kiểm nghiệm định kỳ và “ẩn danh”


Không ít sản phẩm online từng khiến tôi bất ngờ khi mẫu gửi kiểm định thì đạt chuẩn, nhưng hàng thật giao đến tay người tiêu dùng lại kém chất lượng. Vì vậy, tôi luôn tin rằng việc kiểm nghiệm cần đi kèm giám sát thực tế. Một giải pháp tôi đề xuất là tổ chức các đợt kiểm nghiệm định kỳ, đồng thời có thể áp dụng hình thức mua hàng ẩn danh – giống như “khách hàng bí mật”. Các mẫu này sẽ được kiểm tra tại đơn vị độc lập. Nếu phát hiện sai phạm, cần xử lý công khai để tạo hiệu ứng răn đe và lấy lại lòng tin thị trường.

    Tôi cho rằng đây là thời điểm vàng để tái thiết lại hệ sinh thái kinh doanh sản phẩm sức khỏe trên môi trường số. Gian lận thuế, hàng giả, hàng nhái không chỉ ảnh hưởng đến ngân sách mà còn trực tiếp đe dọa sức khỏe cộng đồng. Với vai trò chuyên viên kiểm định, tôi ủng hộ việc xây dựng hệ thống minh bạch, tự động, kết nối đa ngành – vừa là thách thức, vừa là cơ hội để trả lại niềm tin cho người tiêu dùng và uy tín cho các sản phẩm chính hãng.



Chủ Nhật, 1 tháng 6, 2025

“Bán hàng online có thực sự là Thương mại điện tử?”

 

“Bán hàng online có thực sự là Thương mại điện tử?”



Gần đây, mình có tập tành bán một số sản phẩm chăm sóc da trên Facebook. Mình không có cửa hàng, không có hợp đồng gì cả, chỉ đăng bài trên Facebook cá nhân, ai đặt thì chốt đơn qua Messenger, rồi chuyển khoản trước hoặc ship COD. Điều làm mình thắc mắc là: hoạt động như vậy có được gọi là Thương mại điện tử không, hay chỉ là “mua bán online chui” như nhiều người vẫn nghĩ?

Trong bài học Thương mại điện tử, thầy đưa ra khái niệm: 

Thương mại số là việc sử dụng các phương pháp điện tử để làm thương mại. Thương mại là bao gồm hầu hết các hoạt động kinh tế như sản suất, lưu trữ, vận chuyển, giao dịch, thanh toán, …

Thương mại điện tử bao gồm tất cả các quan hệ mang tính chất thương mại như: các giao dịch liên quan đến việc cung cấp hoặc trao đổi hàng hóa hoặc dịch vụ, …; các hình thức khác về hợp tác công nghiệp hoặc kinh doanh; chuyên chở hàng hóa và các dịch vụ dưới các dạng khác, …

Nếu áp dụng định nghĩa này, mình cho rằng việc bán hàng qua Facebook – dù đơn giản và thủ công – vẫn là một hình thức của thương mại điện tử. Nó đáp ứng đủ ba yếu tố:

• Có sản phẩm được rao bán.

• Có trao đổi qua tin nhắn.

• Có giao dịch và thanh toán online hoặc qua COD.

Mình đồng ý với định nghĩa Thương mại điện tử trong bài học, nhưng nghĩ rằng cần mở rộng để bao quát hơn. Hiện nay, nhiều người bán hàng hoàn toàn qua TikTok, Zalo, Facebook mà không dùng các sàn lớn như Shopee hay Lazada. Nếu không coi đó là Thương mại điện tử, thì rõ ràng định nghĩa đang lạc hậu so với thực tiễn. Thị trường số đang phát triển cực kỳ nhanh. Thương mại điện tử không còn là chuyện của doanh nghiệp lớn với hợp đồng và hệ thống phức tạp, mà là câu chuyện hàng ngày của từng cá nhân nhỏ lẻ. Việc mở rộng khái niệm Thương mại điện tử sẽ giúp công tác quản lý hiệu quả hơn và bảo vệ quyền lợi cho cả người bán lẫn người mua trong môi trường mạng.

Theo mình, dù không chuyên nghiệp hay bài bản, bán hàng online vẫn là một dạng Thương mại điện tử. Việc công nhận điều này sẽ giúp nhiều người kinh doanh nhỏ lẻ cảm thấy được ghi nhận đúng vai trò trong nền kinh tế số đang phát triển hiện nay.


Khi thương mại điện tử bị siết chặt: Góc nhìn từ người kiểm định sản phẩm sức khỏe

Năm 2025 đánh dấu một bước chuyển mạnh trong quản lý thị trường số. Cục Thuế, Bộ Công Thương, và Bộ Y tế bắt tay triển khai hệ thống giám sá...